Theo chi tiết điều chỉnh quy hoạch, TP Hạ Long phát triển theo mô hình đa cực, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng không gian ra các khu vực lân cận của huyện Hoành Bồ, TX Quảng Yên và TP Cẩm Phả, với 4 vùng phát triển:
- Vùng phát triển đô thị về phía Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên vịnh Cửa Lục và vùng Nam huyện Hoành Bồ (thuộc huyện Hoàng Bồ), là vùng đô thị sinh thái, dịch vụ hỗ trợ thành phố Hạ Long.
- Vùng phát triển phía Đông với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của thành phố gắn với phát triển không gian đô thị Cẩm Phả.
- Vùng phát triển phía Tây với chức năng đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng... hướng phát triển về phía Nam gắn với vịnh Hạ Long.
- Vùng phía Tây mở rộng với chức năng đô thị sinh thái, biển đảo, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên; với các trung tâm du lịch - dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển không gian đô thị.
Trong đó, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 570.000 - 600.000 người; đến năm 2040 khoảng 720.000 đến 800.000 người. Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 7.852 ha; đến năm 2040 khoảng 10.880 ha. Không gian thành phố cũng được định hướng phát triển theo 10 khu vực với việc gắn kết thực trạng phát triển hiện nay với mục tiêu, định hướng và quy hoạch chi tiết trong tương lai...
Cũng theo điều chỉnh quy hoạch, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của TP Hạ Long được xác định sẽ chuyển dịch hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ sang sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần và kho bãi với diện tích khoảng 1.416ha; phát triển tổ hợp dịch vụ thương mại, trung tâm mua sắm tại các khu vực cửa ngõ và trung tâm các khu vực đô thị để phục vụ phát triển du lịch quốc tế, du lịch chất lượng cao và nhu cầu nhân dân; phát triển du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại các vùng, các không gian đã quy hoạch; ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú chất lượng cao, phát triển các bãi tắm và dịch vụ công cộng...
Cùng với đó, điều chỉnh quy hoạch cũng đặt ra các định hướng trong nhiều lĩnh vực, như: Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; trụ sở làm việc; phát triển nhà ở; cơ sở giáo dục đào tạo; cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; cơ sở văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và an ninh quốc phòng. Đồng thời đặt ra các định hướng chi tiết về thiết kế đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, như: kiến trúc xây dựng; công trình giao thông; cấp, thoát nước; điện và năng lượng; bưu chính viễn thông...